Vượt qua gian khó
Không chỉ là ốc đảo về vị trí địa lý, một thời gian dài, 7 xã vùng B của huyện Đại Lộc từng là ốc đảo “trắng” giáo dục THPT, mãi cho đến năm 1983 ngôi trường THPT dành cho con em vùng B mang tên trường Cấp III Đại Lộc 2 được thành lập tại xã Đại Thắng. Từ đây, học trò nơi mảnh đất chịu nhiều đau thương trong chiến tranh này mới chấm dứt cảnh “gạo đùm cơm nắm” vượt sông trọ học tại trường Cấp III Đại Lộc 1 (nay là trường THPT Huỳnh Ngọc Huệ).
Lần giở ký ức, thầy Hiệu trưởng Nguyễn Khắc Thám - một trong những người gắn bó với trường từ những năm đầu thành lập vẫn nhớ như in những gian khó lúc sơ khai. Lễ khai giảng năm học đầu tiên khá khiêm tốn, chỉ có 6 lớp gồm 4 lớp 10 và 2 lớp 11 với tổng cộng 292 học sinh (HS) được chuyển về từ trường Cấp III Đại Lộc 1. Buổi ban đầu của trường gặp rất nhiều khốn khó. Chỉ có một vài phòng học, không phòng làm việc, không tường rào, cũng chẳng cổng ngõ. Nhà trường phải vận động phụ huynh chung tay tạm thời dựng lên các phòng học bằng tranh tre để đáp ứng nhu cầu học tập của con em. Đội ngũ cán bộ, giáo viên từ nhiều nơi đến công tác, chứng kiến cảnh hoang sơ nghèo khó của ngôi trường lại càng nhụt chí, muốn bỏ về. Sự thăng trầm của trường vẫn chưa chấm dứt khi một thời gian sau đó, do số lượng học trò giảm mạnh nên địa phương phải ghép bậc THCS và đổi tên thành trường Cấp II - III Đại Thắng, làm cho chất lượng dạy và học bị ảnh hưởng.
Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển hiện có 3 khối lớp học tầng, trong đó 26 phòng học đều được trang bị màn hình phục vụ việc ứng dụng công nghệ thông tin trong dạy - học, 2 phòng vi tính, 3 phòng lý - hóa - sinh, 2 phòng nghe nhìn. Năm học 2013 - 2014 trường có 45 lớp với hơn 2.000 HS và 80 cán bộ, giáo viên (trong đó 100% đạt chuẩn, 2 giáo viên trên chuẩn). Mục tiêu của nhà trường là xây dựng đạt chuẩn quốc gia vào năm học 2016 - 2017. |
Năm 1997, cùng với sự kiện tái lập tỉnh Quảng Nam, UBND tỉnh có quyết định thành lập trường THPT Đỗ Đăng Tuyển giúp nhà trường bước vào thời kỳ phát triển mới. Vùng B Đại Lộc là vùng quê nghèo, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn nên ảnh hưởng không nhỏ đến việc học tập của con em. Đó là chưa kể, vùng này thường xuyên bị lũ lụt khiến cho công tác dạy và học gặp rất nhiều trở ngại. Tuy nhiên, vượt qua những khó khăn về điều kiện cơ sở vật chất, chất lượng đầu vào thấp, nhà trường dần tạo dựng được niềm tin trong phụ huynh và HS về chất lượng giáo dục. HS vùng B không còn “thua chị kém em” tại các cuộc so tài như thi HS giỏi tỉnh, thậm chí HS giỏi quốc gia, thi đại học. Tính đến nay, nhà trường đã đào tạo được gần 10 nghìn HS tốt nghiệp THPT, trong đó hàng nghìn HS của vùng B vào đại học. Nhiều học trò cũ của trường nay đã trưởng thành, đang tích cực góp sức mình phục vụ cho sự phát triển của quê hương, đất nước. Cũng có không ít cựu HS tiếp bước các thầy cô giáo, quay trở lại trường cũ làm nhiệm vụ dìu dắt thế hệ trẻ.
Sức bật mới
Tọa lạc ở vùng đất hiện còn nhiều khó khăn về kinh tế xã hội, tuy nhiên không vì thế mà thầy và trò trường THPT Đỗ Đăng Tuyển mang tư tưởng tự ti và an phận, chấp nhận là “trường hạng hai”. Tấm panô treo trang trọng giữa sân trường với nội dung “Xây dựng trường THPT Đỗ Đăng Tuyển là một trong những trường có uy tín trong khu vực và tỉnh Quảng Nam mà HS sẽ lựa chọn để học tập, rèn luyện; nơi giáo viên và HS có khát vọng vươn tới xuất sắc” như một “tuyên ngôn” nói lên quyết tâm của nhà trường trong việc khẳng định mình. Để thực hiện điều này, nhiều năm qua, thầy cố gắng dạy tốt, trò nỗ lực học tốt, toàn trường ra sức thi đua với mục tiêu cuối cùng là nâng cao chất lượng, tạo nên “thương hiệu” về dạy và học. Nhờ đó, từ một ngôi trường “hạng hai”, bằng nỗ lực vượt lên chính mình, cái tên Đỗ Đăng Tuyển đã vươn lên xếp ở tốp đầu các trường THPT của tỉnh, trở thành điểm sáng về công tác nâng cao chất lượng giáo dục với nhiều kết quả đáng tự hào. Liên tiếp những năm từ 2009 đến 2013, tại kỳ thi tốt nghiệp THPT, nhà trường đã gây ngạc nhiên cho nhiều người khi 100% HS của trường vượt “vũ môn”. Tỷ lệ HS trúng tuyển vào các trường đại học, cao đẳng cũng nằm trong tốp các trường THPT dẫn đầu cả tỉnh, thậm chí có năm đến 80% số HS trúng tuyển. Nhà trường cũng ghi dấu ấn đậm nét tại các cuộc so tài HS giỏi với hơn 120 giải cấp tỉnh trong 10 năm gần đây. Học trò vùng B Đại Lộc giờ đây đã có thể đua tài ngang sức với nhiều HS trên cả nước trong các cuộc thi HS giỏi quốc gia, tuyển sinh đại học. Đã có những cái tên được vinh danh như Nguyễn Thanh Vân (thủ khoa trường Đại học Khoa học xã hội và nhân văn TP.Hồ Chí Minh), Trần Quang Điển (á khoa Đại học Bách khoa Đà Nẵng, á khoa Đại học Y dược Huế và giải nhì giải toán Casio toàn quốc), Lê Văn Lợi (giải ba môn Lịch sử), Đoàn Quang Việt (giải khuyến khích môn Toán).
Trải qua 30 năm xây dựng và trưởng thành, đặc biệt là trong 10 năm gần đây, trường THPT Đỗ Đăng Tuyển đã có bước phát triển vượt bậc về nhiều mặt, từ chất lượng giáo dục đến cơ sở vật chất khang trang, đội ngũ vững mạnh. Nói về chặng đường đã qua, Hiệu trưởng Nguyễn Khắc Thám cho rằng, sự thành công của nhà trường hôm nay được xây đắp từ tâm huyết và trí tuệ, mồ hôi và công sức, ý chí và nghị lực của các thế hệ thầy giáo, cô giáo, các em HS, bậc phụ huynh cùng sự quan tâm, giúp đỡ của các cấp, ngành và toàn xã hội. “Chặng đường đầy gian khó và nhiều thử thách đã qua. Kỷ niệm 30 năm thành lập là dịp nhà trường nhìn nhận, đánh giá lại những kết quả đạt được để bước vào giai đoạn phát triển mới với yêu cầu đổi mới căn bản và toàn diện sự nghiệp GDĐT. Trường THPT Đỗ Đăng Tuyển đã tạo được niềm tin trong xã hội, khẳng định “thương hiệu”, uy tín của mình trong sự nghiệp GDĐT chung của tỉnh. Đó là tiền đề vững chắc để nhà trường hướng tới tương lai với những mục tiêu cao hơn” - Hiệu trưởng Nguyễn Khắc Thám chia sẻ.
Ý kiến bạn đọc